Mẹo Hay

Những quốc gia yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí | Công nghệ

Ngày 18.2, Facebook quyết định chặn người dùng Úc đọc và chia sẻ tin tức trên nền tảng, như lời đáp trả trước dự luật truyền thông mới của chính phủ nước này. Trái ngược với động thái cứng rắn của gã khổng lồ mạng xã hội, Google ban đầu đe dọa rút khỏi Úc nhưng sau đó lại chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, tiến đến ký thỏa thuận với các hãng tin địa phương.

Chuyên gia: Úc “chơi rắn”, bị Facebook “unfriend”, nhưng báo chí vẫn chưa được lợi

Đây là lần đầu tiên Facebook thực hiện hành động quyết liệt như vậy, nhưng có thể sẽ không phải lần cuối cùng, bởi vì chính phủ những quốc gia khác đang dõi theo Úc và xem xét các quy định về việc trả phí cho tin tức.

Mỹ

Những quốc gia yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí  - ảnh 1

Chủ tịch Microsoft đứng về phía các hãng tin

Tháng 12.2020, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ trình hai đơn kiện chống độc quyền nhằm vào thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Facebook.

Liên minh Truyền thông Tin tức Mỹ với gần 2.000 tổ chức thành viên cũng vận động xúc tiến “Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí” tương tự Úc, cho phép các nhà xuất bản có thể “thương lượng với những nền tảng trực tuyến về các điều khoản phân phối nội dung”.

Facebook đáp lại chỉ trích bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến tài trợ cho báo chí và đẩy mạnh nội dung tin tức trên nền tảng của mình, chẳng hạn như mục Journalism Project và News, nhưng tác động chẳng đáng kể là bao. Trong tuần qua, chủ tịch Microsoft Brad Smith còn đổ thêm dầu vào lửa khi kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ soạn thảo dự luật như Úc.

Canada

Đầu tháng 2, Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault hứa ban hành luật mới buộc các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng. Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch của Canada có điểm nào khác so với dự luật của Úc. Quyết định ban hành luật mới là kết quả từ một chiến dịch do 105 tờ báo địa phương phát động, yêu cầu chính quyền đưa ra cải cách khẩn cấp để hỗ trợ ngành báo chí.
Ông Guilbeault tuyên bố: “Tin tức chưa bao giờ là miễn phí. Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: các nhà xuất bản phải được đền bù thỏa đáng cho công việc của họ, chúng tôi sẽ hỗ trợ khi họ đưa thông tin vì lợi ích nền dân chủ, sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng chúng tôi”.

Liên minh châu Âu (EU)

Những quốc gia yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí  - ảnh 2

Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager

EU luôn đi đầu trong các quy định về dữ liệu và công nghệ mới trong những năm gần đây, đem đến đạo luật bảo vệ thông tin và kìm hãm những gã khổng lồ kỹ thuật số.
EU sẽ theo chân Úc buộc Facebook và Google trả tiền cho báo chí. Dù chưa có thông tin chi tiết, có vẻ như các nhà lập pháp đang xây dựng khuôn khổ được đề xuất trong đạo luật Dịch vụ và Thị trường Kỹ thuật số EU đề xuất gần đây.

Phát biểu với Financial Times, Nghị viên châu Âu Alex Saliba cho biết cách tiếp cận của chính phủ Úc đã giải quyết được “sự mất cân bằng nghiêm trọng về khả năng thương lượng” giữa các nền tảng công nghệ và hãng tin.

Ông nói thêm: “Với vị trí thống trị thị trường tìm kiếm, mạng xã hội và quảng cáo, các nền tảng kỹ thuật số lớn tạo sự mất cân bằng quyền lực và hưởng lợi đáng kể từ nội dung tin tức. Tôi nghĩ chỉ cần họ trả phí là công bằng”.

Anh 

Tháng 12.2020, Lực lượng Đặc nhiệm Thị trường Kỹ thuật số của Anh cho biết Facebook và Google có thể sớm bị buộc phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung của họ.

Lực lượng này gồm các chuyên gia quy tụ từ những tổ chức như Ofcom và Cơ quan cạnh tranh thị trường (CMA) đề xuất thành lập cơ quan giám sát mới. Đơn vị này được trao quyền phạt những gã khổng lồ công nghệ đến 10% tổng doanh thu toàn cầu nếu vi phạm luật. Cùng thời gian đó, Ủy ban Truyền thông và kỹ thuật số của Hạ viện Anh đã khuyến nghị các nhà lập pháp đưa ra luật tương tự như Úc.

Cuối tháng 1 năm nay, Facebook tung ra Facebook News tại Anh, cung cấp cho người dùng nguồn cấp dữ liệu chuyên biệt về các câu chuyện từ một loạt nhà xuất bản ở Anh, bao gồm Guardian Daily Mail.

Pháp

Những quốc gia yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí  - ảnh 3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Cơ quan Cạnh tranh Pháp đang dẫn đầu những nỗ lực kêu gọi các nền tảng công nghệ trả tiền cho tin tức suốt nhiều năm qua.

Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia EU áp dụng chỉ thị bản quyền của châu Âu vào năm 2019, yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin nhưng cả hai đều từ chối.

Google cố gắng giải quyết tranh chấp kéo dài 18 tháng bằng cách ký thỏa thuận trị giá 76 triệu USD với một loạt hãng tin Pháp, cho phép nội dung tin tức của họ xuất hiện trên Google News Showcase.

Tây Ban Nha

Những quốc gia yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí  - ảnh 4

Google đóng cửa dịch vụ News thay vì trả phí ở Tây Ban Nha

Tây Ban Nha là nước đầu tiên đưa ra “thuế Google” từ năm 2014, buộc gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho những đoạn tin tức đăng trên nền tảng Google News.

Thay vì chọn trả phí, Google đóng cửa hoàn toàn Google News ở Tây Ban Nha. Quyết định của Google khiến các hãng tin nhỏ gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia phân tích cho rằng họ đã bỏ lỡ 1 tỉ USD sau sự kiện đó. Đến thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha vẫn chưa đưa ra đề xuất mới để giải quyết mối quan hệ giữa công nghệ và truyền thông tin tức.

Đức

Trong giai đoạn đỉnh điểm của vụ bê bối Cambridge Analytica, các nhà lập pháp Đức đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn lan truyền tin giả.

Nhà lập pháp Thomas Oppermann cho biết trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel: “Nếu trong vòng 24 giờ Facebook không xóa bài đăng vi phạm thì họ phải chịu hình phạt nghiêm khắc tối đa 500.000 euro”.

Năm 2019, bốn hãng tin của Đức, bao gồm cả chủ sở hữu Insider Axel Springer hợp lực đòi các hãng quảng cáo Big Tech chia sẻ lợi nhuận cho tin tức truyền thống. Những nhà lập pháp ở Đức chưa có động thái đáng kể nào, nhưng có lẽ họ cũng đang theo dõi sát sao cuộc chiến giữa Úc với Facebook và Google.

Nguồn: geekmindset.net

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button