Những căn bệnh trầm kha game thủ Việt vẫn còn mắc phải
Thời gian qua có thể khẳng định là một khoảng thời gian với rất nhiều biến động ở làng game Việt. Bên cạnh những câu chuyện vui, những điều đáng mừng của làng game Việt , thì vẫn còn một số mặt tối mà chúng ta chưa thể khắc phục một cách hoàn toàn.
Nếu chỉ tính riêng với cộng đồng game thủ Việt, những yếu điểm, những thói xấu vẫn còn tồn tại trong một bộ phận gamer đã khiến cho nhiều game thủ khác, cả trong nước lẫn nước ngoài cảm thấy phiền phức, thậm chí là bực mình. Những phiền phức này đã vô tình khiến cho hình ảnh game thủ Việt nói chung, trong mắt bạn bè quốc tế, trở nên xấu đi một cách trầm trọng.
Chính vì thế, trong năm 2015 này, không ít game thủ cũng cần phải có những thay đổi. Cụ thể hơn, có những thói xấu game thủ Việt nên từ bỏ để tạo ra một môi trường game online công bằng và vui vẻ cho tất cả.
Văng tục chửi bậy trong game
Đồng ý một điều, ở đâu thì cũng có văng tục mà thôi. Thế nhưng trong game, khi game thủ buông lời văng tục tới một người nhất định, thì không chỉ “nạn nhân” mà còn cả những người chơi xung quanh cũng đều cảm thấy khó chịu.
Việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một “nét văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Nhiều người để thoải mái trong game đã không tiếc lời, sử dụng những từ ngữ nặng nề nhất để mạt sát đối thủ của mình với một phong cách rất… anh hùng bàn phím. Đó mới chỉ là một khía cạnh. Việc spam hoặc chat nhảm trên kênh chat thế giới cũng là một điều gây không ít game thủ khó chịu.
Vì thế cho nên, bớt đi một lời văng tục, giảm đi một câu chat ác ý, bạn đã góp phần tạo ra một bầu không khí game bớt đi rất nhiều phần căng thẳng và đem lại tính thư giãn vốn có của những tựa game.
Hack cheat
Câu chuyện muôn thuở của game thủ chúng ta chính là nỗi ám ảnh mang tên hack cheat. Ngay cả bây giờ, khi những game online, đặc biệt là game bắn súng sắp ra mắt cũng đang hứng chịu những thông tin vô cùng bất lợi khi phiên bản game nước ngoài cũng đang phải hứng chịu vấn đề tương tự.
Chuyện người chơi sử dụng hack thì dĩ nhiên đâu cũng có, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng không có xứ nào mà người chơi game online lại có tư tưởng tiếp tay cho hack như ở nước ta. Cộng đồng gamer trẻ tuổi, hầu hết chưa có suy nghĩ đủ chín chắn (thậm chí còn chưa đủ độ tuổi vào game) rất hay muốn tìm cách hack game, đơn giản chỉ để chứng tỏ bản thân và khoe khoang thành tích.
Lấy ví dụ một trận đấu, khi một game thủ phe bên kia sử dụng hack, cheat, đương nhiên những gamer ở đội còn lại sẽ phát điên vì sự không công bằng này, và tìm cách kick hacker kia ra. Vấn đề lại nảy sinh khi đội chơi có game thủ sử dụng hack, vì muốn có một trận thắng nhanh chóng, sẽ chẳng dại gì mà vote kick “con bò” đang cày giúp cả đội mình.
Ích kỷ, thích chứng tỏ bản thân
Đây là tật xấu khiến cho không ít trận đấu của game thủ bị phá hoại. Thay vì phối hợp đồng đội, rất nhiều game thủ lại thích chứng tỏ khả năng của bản thân bằng cách… solo. Thế nhưng đời thì không như là mơ, những lần solo này thường khiến game thủ nhận được thất bại cay đắng và khiến cho cả đội mất đi một vị trí cần thiết.
Thêm vào đó là bản tính ích kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều game thủ Việt khi ra chơi tại server nước ngoài cảm thấy cực kỳ xúc động mỗi khi được một người lạ mặt buff máu hộ, chỉ dẫn cách chơi hộ mà không hề đòi hỏi gì. Điều này là rất bình thường với làng game thế giới nhưng lại quá xa xỉ đối với cộng đồng tín đồ ảo nước nhà.
Suy nghĩ “mạnh ai nấy sống” đã ăn sâu vào game thủ Việt đến nỗi họ tranh giành nhau cả những bãi train, sẵn sàng lao vào ăn hôi một con boss mà không đếm xỉa gì tới công sức của người khác. Nhân vật với cấp độ thấp luôn bị đối xử ác nghiệt, thậm chí có trường hợp bang chủ của một bang hội mà còn cuỗm tiền của cả bang rồi chạy mất.
Chính vì tính cách trên nên gamer ngoại rất ngại ngùng khi thấy một người Việt xin vào guild, họ sợ cái tâm lý chỉ nghỉ đến mình, mà điển hình là chuyện thả phanh chat, spam trên kênh chat bằng tiếng Việt mà chẳng cần nghĩ gì tới người xung quanh.
Thích “dìm hàng”
Một vấn đề đang rất gây tranh cãi chính là cái nhìn của một bộ phận game thủ Việt Nam về những tựa game online mới. Chưa cần tìm hiểu thông tin, họ có thể cất lời chê bai và quay lưng lại với tựa game mới được các nhà phát hành giới thiệu.
Đáng buồn ở mỗi chỗ, việc chê bai này có tính phong trào và bầy đàn rất cao. Tính chất này của một số người chơi game online ở Việt Nam cũng được biểu hiện rất rõ rệt trong nhiều cuộc tranh cãi về game trên các diễn đàn hay trang tin. Nhiều người không có mấy liên quan, hoặc chưa rõ đầu cua tai nheo đã hoàn toàn có thể lên tiếng tham gia cuộc tranh cãi.
Không ít lần, game online do những người Việt Nam phát triển phải chịu sức ép từ chính cộng đồng game thủ trong nước. Đối với những game thủ Việt, họ kỳ vọng rất nhiều vào những tựa game được nhào nặn bởi bàn tay và khối óc của chính những người Việt chúng ta.
Thế nhưng ở một chừng mực nhất định, “kỳ vọng” của một bộ phận game thủ chúng ta lại có thể được mô tả bằng cụm từ “cuồng vọng”, khi những mong chờ của game thủ với một game made in Vietnam lại đi quá giới hạn khả năng mà làng game Việt có thể đáp ứng.
Chúng ta chưa thể tạo ra những game online nhập vai, bắn súng hay cả những webgame 3D với chất lượng đối chọi được với các quốc gia mạnh trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan hay thậm chí là cả… Trung Quốc, nơi trước đây từng “cung cấp” cho nhiều NPH game online Việt hàng loạt những “game rác” với nội dung cũng như đồ họa chỉ xứng đáng xếp vào loại trung bình.
>> Những kiểu game thủ thường gặp trong thế giới ảo